Mắc nạn ở Sở Sái_Chiêu_hầu

Sử sách chép khác nhau về thân thế của Sái Chiêu hầu. Theo Sử ký, ông là cháu nội của Sái Linh hầu - vua thứ 18 nước Sái và em của Sái Điệu hầu – vua thứ 20 nước Sái. Theo Tả truyện, ông là con của Sái Bình hầu - vua thứ 19 nước Sái[3].

Năm 519 TCN, Sái Điệu hầu mất, Cơ Thân lên ngôi, tức là Sái Chiêu hầu.

Năm 509 TCN, Sái Chiêu hầu sang triều kiến Sở Chiêu vương. Ông có một đôi ngọc bội và một đôi áo cầu rất đẹp, dâng cho Sở Chiêu vương mỗi thứ một chiếc, còn lại mình dùng. Trong tiệc, ông cùng vua Sở mặc áo cầu và đeo ngọc bội. Vua Sở còn nhỏ nên tướng quốc nước Sở là Nang Ngõa làm phụ chính. Nang Ngõa thấy Sái Chiêu hầu có đồ quý nổi lòng tham, muốn đòi áo và ngọc bội của ông, Sái Chiêu hầu không cho. Vì vậy Nang Ngõa bèn gièm pha với Sở Chiêu vương, giam lỏng ông ở lại nước Sở không cho về.

Vua nước Đường cũng đến triều kiến nước Sở, có đôi ngựa quý, cũng bị Nang Ngõa đòi, nhưng vua Đường từ chối. Nang Ngõa liền bắt giam vua nước Đường.

Năm 506 TCN, người nước Đường bàn nhau lấy ngựa quý dâng cho Nang Ngõa để xin cho vua Đường về. Nang Ngõa bằng lòng. Sái Chiêu hầu thấy vậy cũng đành hiến áo cầu và ngọc bội cho Nang Ngõa, ông mới được thả về nước sau 3 năm bị giam cầm.